Từ 1927 đến 1941 Tin_Lành_tại_Việt_Nam

Thành lập giáo hội

Sau 16 năm khai khẩn và gieo giống, tháng 3 năm 1927, các giáo đoàn Tin Lành rải rác ở Bắc kỳ, Trung kỳ, và Nam kỳ tập hợp thành một đoàn thể quốc gia với tên chính thức là Hội Tin Lành Đông Pháp.[27] Khi bản Điều lệ của Hội thánh được tu chính lần thứ nhất năm 1936, từ "Việt Nam" được thêm vào trước "Đông Pháp".[28] Đến cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, từ "Đông Pháp" bị loại bỏ. Năm 1950, Hội đồng Tổng Liên hội biểu quyết chọn danh hiệu chính thức của giáo hội là Hội thánh Tin Lành Việt Nam.[29]

Biểu tượng của Hội thánh Tin Lành Việt Nam

Bản Điều lệ được thông qua năm 1928 quy định cơ cấu tổ chức, chính sách, thể thức cho giáo hội, nhấn mạnh đến các lẽ đạo tái sinh, thánh hóa, chữa bệnh, và sự tái lâm của Chúa Giê-xu. Bốn lẽ đạo này được thể hiện trên biểu tượng của Hội thánh Tin Lành Việt Nam qua hình ảnh của thập tự giá, chim bồ câu, chiếc bình, mão miện, được khắc trong con dấu chính thức của Hội thánh Tin Lành Việt Nam trong mọi cấp và mọi ngành cho đến ngày nay.[30] Điều lệ cũng quy định hệ thống tổ chức của Hội thánh có ba cấp: Hội thánh địa phương, Địa hạt Liên hội, và Tổng Liên hội.[31] Mỗi hội thánh địa phương có quyền đầy đủ để tự điều hành như mời quản nhiệm, bầu cử ban chấp sự, xử lý các thuộc viên, tạo lập và sử dụng ngân quỹ để cấp dưỡng cho quản nhiệm, chi tiêu cho các dự án địa phương cũng như đóng góp cho địa hạt và tổng liên hội.[32] Địa hạt liên hội tập hợp các hội thánh địa phương trong một khu vực, mỗi năm tổ chức một kỳ hội đồng quy tụ những đại biểu được các hội thánh địa phương bầu chọn để "cai trị và dự phần công việc của Hội thánh trong địa hạt riêng mình, quyết định những vấn đề liên quan tới lợi ích chung của cả hạt." Hội đồng cũng bầu cử chức vụ Chủ nhiệm và Ban Trị sự Địa hạt.[33] Quyền tối hậu của Hội thánh Tin Lành thuộc về toàn thể tín hữu, được ủy thác cho các đại biểu mà họ lựa chọn giữa vòng các thuộc viên hội thánh địa phương để tham dự hội đồng chung (thường được gọi là Hội đồng Tổng Liên hội).[34] Hội đồng Tổng Liên hội được xem là nhánh lập pháp của giáo hội, trong khi quyền hành pháp được trao cho Ban Trị sự Tổng Liên hội, đứng đầu là Hội trưởng.[35] Hội đồng bầu Mục sư Hoàng Trọng Thừa vào chức vụ Hội trưởng.[36]

Trong thập niên 1920, các hoạt động truyền bá Tin Lành bị hạn chế và cấm đoán. Theo thông tri ngày 26 tháng 1 năm 1925 của Hội đồng Cơ mật, "Theo điều khoản thứ 13 của Hòa ước năm 1884, chỉ Giáo hội Công giáo La Mã có quyền truyền giảng trong xứ chúng ta. Các Giám mục, Linh mục, và giáo sư thuộc giáo hội Công giáo La Mã là những người duy nhất có phép giảng đạo của họ…Rõ ràng từ nay trở đi, tôn giáo mới (Tin Lành) và "Cao Đài" phải bị cấm tỏ tường không được truyền giảng hoặc lưu hành tại Trung kỳ. Nếu người nào bất tuân bản chỉ dụ này, hãy hình phạt hắn theo pháp luật."[37] Thông tri này cùng các biện pháp cấm đạo như bắt giữ một số mục sư, truyền đạo, đe dọa các tín hữu và buộc họ đốt bỏ Kinh Thánh xảy ra tại một số địa phương đã làm dấy lên phản ứng của cộng đồng Kháng Cách Pháp tại nước Pháp và Đông Dương. Tháng 1, 1929, những nhà lãnh đạo Tin Lành Pháp gởi kháng thư cho Toàn quyền Pierre Pasquier khi ông mới nhậm chức, đồng thời Liên minh Tin Lành Pháp đưa vấn đề này ra trước Hạ viện.[38] Từ thập niên 1930 trở đi, các biện pháp hạn chế và cấm đoán dần dần được gỡ bỏ, mặc dù dưới sự cai trị của Pháp và triều đình Huế, Hội thánh Tin Lành Việt Nam chưa bao giờ được dành những quyền của một đoàn thể tôn giáo quốc gia như Công giáo Rô-ma được hưởng từ năm 1884.[39]

Tự trị, Tự lập, Tự truyền bá

Tín hữu Tin Lành ở Hà Nội năm 1930. Dòng chữ Nho phía trên ghi "An Nam Hà Nội Phúc âm Hội"

Từ năm 1928 đã đạt được một sự đồng thuận giữa Hội Truyền giáo Phúc âm Liên hiệp và Hội thánh Tin Lành Việt Nam về định hướng phát triển giáo hội trên nguyên tắc: tự lập, tự trị, và tự truyền bá, tập chú vào nỗ lực chung giúp hội thánh bản địa trở nên một giáo hội độc lập trong thời gian sớm nhất.[40] Sự xác tín của những nhà lãnh đạo hội thánh bản địa rằng "tự lập là con đường độc nhất dẫn đến sự độc lập và tự trị hoàn toàn, là nền tảng lành mạnh nhất cho Hội thánh tăng trưởng và truyền giảng trong một xứ sở mà cảm xúc bài ngoại thật mạnh sau sự chinh phục của người Pháp… sự xác tín này được lập nền trên giáo huấn của Kinh Thánh,"[41] đã nhận được sự đáp ứng thuận lợi từ các tín hữu.

Phù hợp với truyền thống Kháng Cách – dành một vị trí quan trọng và tích cực cho tín hữu trong mọi lãnh vực hoạt động của giáo hội – tín hữu Tin Lành thường chủ động trong nỗ lực thành lập và phát triển giáo đoàn, đóng góp tiền bạc và nhân lực để xây dựng lễ đường và các cơ sở vật chất cho hội thánh địa phương. Năm 1926, tại Mỹ Tho, một nhà thờ đã được xây dựng hoàn toàn bởi sáng kiến và sự đóng góp tài lực và nhân lực của tín hữu,[42] từ đó khởi phát một khuynh hướng lành mạnh trong các giáo đoàn trên khắp đất nước. Thể chế dân chủ cũng được ấn định trong bản Điều lệ năm 1928 thể hiện nguyên tắc tự trị, theo đó quyền tự trị được chia sẻ bởi tất cả thuộc viên hội thánh địa phương đã chịu lễ báp têm, cũng như các đại biểu của họ khi tham dự những hội đồng cấp địa hạt và cấp tổng liên hội.[43]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tin_Lành_tại_Việt_Nam http://christianityinview.com/protestant/denominat... http://hoithanh.com/Home/100-nam-tin-lanh-vn/199-h... http://www.hoithanh.com/Home/tin-tuc/viet-nam/3454... http://www.httldalat.com/index.php/component/conte... http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&ca... http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&ca... http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&ca... http://sachcodoc.com/?m=book_online&view=detail&ca... http://hoithanhtinlanhvietnam.org/?do=news&act=det... http://www.thuvientinlanh.org/2012/01/l%C6%B0%E1%B...